Tiểu cảnh Terrarium được ưa chuộng và yêu thích bởi vì mỗi tác phẩm là một khu vườn mini không chiếm nhiều diện tích, lại còn giống với thế giới cổ tích tí hon nơi những người tí hon sinh sống nên rất thích hợp để trang trí và làm quà tặng. Với mức giá không quá cao, bạn đã có thể sở hữu hay tự tay thực hiện kiệt tác của riêng mình. Các bạn hãy cùng Phương Garden làm một Terrarium mang đậm bản sắc của bạn nhé.
Tiểu cảnh Terrarium là gì?
Terrarium là nghệ thuật sắp xếp những loại thực vật mini vào trong chậu hoặc chai lọ thủy trong suốt.
Cây cảnh mini được trồng trong những chiếc chai lọ, bình, những vật chứa bằng thủy tinh... sẽ được hấp thụ ánh nắng xuyên qua, càng tăng tính nghệ thuật, rực rỡ cho tiểu cảnh Terrarium của bạn. Bên trong lớp kính là cả quá trình phát triển của hệ thực vật được thể hiện sinh động mà bạn có thể quan sát.
Nghệ thuật sáng tạo điểm đặc biệt đối với Terrarium. Tùy theo cảm hứng, sự sáng tạo, linh hoạt mà hầu như những tác phẩm tiểu cảnh Terrarium đều không hoàn toàn giống nhau.
Phân loại Terrarium
Terrarium được phân thành 2 loại: kín và mở. Từng loại sẽ là từng môi trường sinh thái khác như nên cây trồng cũng sẽ khác nhau.
Terrarium kín: Với loại này, môi trường sinh sống sẽ gần giống với vùng nhiệt đới ẩm. Vì vậy, những loại cây nhiệt đới như cây Không Khí, cây Dương Xỉ, cây Phong Lan... sẽ thích hợp với hệ sinh thái này. Chăm sóc loại Terrarium kín rất đơn giản, bạn chỉ cần mở nắp và tưới nước tùy theo loại cây cảnh trồng trong bình.
Terrarium mở: Những loại thực vật phù hợp để trồng trong môi trường này phải là những loại cây ưa khô và ưa sáng như Sen Đá, Xương Rồng... Đây là hệ sinh thái mở nên sau một thời gian nước và chất dinh dưỡng sẽ thất thoát. Với trường hợp này, bạn cần tưới nước 1 – 2 lần/ tháng và bón phân khoảng 1 lần/ tháng để toàn bộ hệ sinh thái được phát triển tốt.
Cách làm tiểu cảnh Terrarium
Chỉ cần đam mê và sự sáng tạo là bạn có thể tạo ra được một tác phẩm Terrarium của riêng mình. Hãy cùng Phương Garden từng bước thực hiện tuyệt tác này nhé.
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu cần thiết để làm khu vườn mini rất dễ tìm, bạn có thể mua tại một số cửa hàng bán cây cảnh. Tuy nhiên, nhìn chung thì nguyên liệu sẽ bao gồm:
Bình chứa
Bạn có thể dùng những chiếc ly, tách, chai lọ thủy tinh, tận dụng những vật dụng cũ như bể cá cảnh, quả cầu thủy tinh, bóng đèn, ấm đun nước thủy tinh... để làm chậu trồng cây.
Một lưu ý đó là bạn nên chọn những chiếc bình hay lọ phải có độ sâu vừa đủ để rễ cây có thể bám vào. Nếu sử dụng những đồ vật cũ thì nên rửa sạch với xà phòng trước khi trồng.
Đất đá
Loại đất tốt nhất để trồng tiểu cảnh đó là đất Tribat để đảm bảo độ tơi xốp, chất dinh dưỡng đầy đủ và giữ ẩm tốt cho cây.
Bạn có thể dùng các viên sỏi nhỏ trong vườn hoặc những viên đá màu sắc vừa giúp thoát nước dưới đáy bình và trang trí trên bề mặt.
Bạn nên nhớ mua thêm than hoạt tính để hỗ trợ chống nấm mốc và vi khuẩn gây hại cho cây. Bên cạnh đó, thảm rêu, rêu cũng giúp hút nước thừa và dùng trang trí bề mặt nên hãy nhớ thêm vào danh sách nguyên liệu nhé.
Cây cảnh và phụ kiện
Những loại thực vật lý tưởng để làm Terrarium đó là cây mọng nước nhưng cây Sen đá, Xương Rồng... Ngoài ra còn có một số loại như cây Lưỡi Hổ, cây Không Khí, cây Dương Xỉ... những loại cây này có sức sống mãnh liệt, chịu được môi trường khắc nghiệt và tuổi thọ khá cao nên hoàn toàn phù hợp.
Phụ kiện trang trí như mô hình mini, mô hình bàn ghế, bậc cầu thang, đồi núi, bãi cỏ, vỏ ốc, loài động vậy, sỏi đá nhiều màu... đều phù hợp để trang trí Terrarium. Tùy theo sở thích, tính sáng tạo và kiểu Terrarium mà bạn có thể lựa chọn phụ kiện cho hợp lý.
Dụng cụ hỗ trợ
Một số sự trợ giúp của đũa, kìm, kéo, kẹp, muỗng nhỏ sẽ giúp bạn hoàn thành tác phẩm Terrarium tốt hơn.
Thực hiện
Bước 1: Bước đầu tiên đó là tạo hệ thống thoát nước cho hệ sinh thái, giúp chống úng cho thực vật bằng một lớp sỏi hoặc đá cuội mỏng dưới đáy chậu. Vì là bình thủy tinh nên bạn hãy rửa sạch sỏi, đá trước khi cho vào bình nhé.
Bước 2: Tiếp theo, bạn nên rải đều một lớp than hoạt tính lên trên bề mặt sỏi để giúp giữ độ ẩm và đồng thời phòng chống sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
Bước 3: Bạn nên cho thêm một lớp rêu để phòng tránh ngập úng cho cây bởi khả năng hút nước thừa, và ngăn cho đất trồng không bị chảy xuống.
Bước 4: Sau đó, bạn cho đất vào chậu. Nên lưu ý lượng đất vừa đủ, chiếm khoảng 1/3 chậu để cây có thể mọc rễ.
Bước 5: Phủ thêm một lớp rêu mỏng lên trên bề mặt đất để tăng khả năng giữ ẩm, ngoài ra lớp rêu còn có tác dụng trang trí để mặt đất trông tự nhiên hơn.
Bước 6: Tiếp đến là công đoạn trồng cây cảnh trong lọ. Đây là một công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo. Tuy nhiên, sẽ không quá khó khăn nếu bạn có sẵn ý tưởng sắp xếp và trang trí tiểu cảnh. Những dụng cụ hỗ trợ như kìm, kẹp, đũa... cũng sẽ giúp bạn trồng cây dễ dàng hơn.
Bước 7: Ngoài những cây cảnh, bạn có thể trang trí thêm những phụ kiện nhỏ đã được chuẩn bị sẵn để làm đẹp cho tiểu cảnh của mình. Đây là một giai đoạn đòi hỏi tính sáng tạo và thể hiện cá tính của người làm ra nó.
Bước 8: Dùng bình xịt phun sương để tưới nước cho cây, đảm bảo cây trong bình được cung cấp lượng nước vừa đủ và không bị đọng nước, ngập úng dưới đáy bình. Sau khi hoàn thành hãy nhớ lau chậu, bình cây cho thật bóng và đẹp nhé!
Chỉ mất khoảng 10 – 15 phút là bạn đã có một chậu, một lọ Terrarium thật đẹp và mang đậm chất riêng mình. Với những hướng dẫn 8 bước làm Terrarium, chắc hẳn bạn cũng đã nắm bắt được cách làm rồi đúng không? Hãy chia sẻ cho Phương Garden tác phẩm của bạn nhé!